Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đà Nẵng
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Ngày 5/12/1996 Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành quyết định số 325/QĐ-NH9 về việc giải thể Chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng để thành lập chi nhánh NHNN thành phố Đà Nẵng, chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Nam.
Vị trí và chức năng nhiệm vụ của Chi nhánh
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu và bảng cân đối tài khoản theo quy định của pháp luật.
Chi nhánh có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc.
Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trên địa bàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật với các nội dung sau:
+ Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thống đốc về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và người dân trên địa bàn.
+ Thống kê, thu thập thông tin, nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế, tiền tệ trên địa bàn để tham mưu cho Thống đốc trong điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác thông tin tín dụng.
+ Thực hiện việc cấp, sử đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt đông của các tố chức tín dụng; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tổ chức tín dụng và chấp thuận nội dung khác của các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo ủy quyền của Thống đốc.
+ Giám sát, chỉ đạo việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, kiểm soát đặc biệt và giải thể tổ chức tín dụng trên địa bàn theo ủy quyền của Thống đốc.
+ Thực hiện thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.
+ Thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.
+ Cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và các dịch vụ ngân hàng trung ương khác cho các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước.
+ Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng.
+ Thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn và cho vay thanh toán đối với các tổ chức tín dụng khi được Thống đốc ủy quyền.
+ Quản lý nhà nước về tiền tệ, kho quỹ, bảo đảm an toàn về tài sản, tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá bảo quản tại chi nhánh và khi giao nhận theo quy định.
+ Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo phân công, ủy quyền của Thống đốc.
+ Thưc hiện công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.
+ Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, văn hóa công sở.
+ Báo cáo, trả lời chất vấn theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội; trả lời kiến nghị của các cơ quan báo chí về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.
+ Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định.
+ Thực hiện công tác quốc phòng an ninh, công tác bảo vệ phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tại Trụ sở Chi nhánh và các cơ sở vật chất khác thuộc thẩm quyền quản lý của Chi nhánh.
+ Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
Cơ cấu tổ chức Ngân hàng Nhà nước :
+ Phòng Hành chính - Nhân sự
+ Phòng Tổng hợp
+ Thanh tra, giám sát ngân hàng
+ Phòng Kế toán - Thanh toán
+ Phòng Tiền tệ - Kho quỹ
+ Phòng Kiểm soát
Phòng Thanh tra giám sát ngân hàng và Phòng Kế toan – Thanh toán có con dấu riêng để dùng trong hoạt động nhiệp vụ theo quy định của pháp luật.