Hội nghị sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Những tín hiệu khởi sắc
Những tháng đầu năm 2024, TP. Đà Nẵng, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các quyết định, kế hoạch do UBND thành phố ban hành nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Quý II/2024, kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực.
Tính đến tháng 6/2024, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) quý II/2024 ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng 8,35% trong quý II/2024, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị |
Trong đó, tăng trưởng VA (giá trị tăng thêm) hoạt động tài chính, ngân hàng 6 tháng năm 2024 ước đạt 4,18%. Tăng trưởng VA quý II/2024 so với cùng kỳ năm 2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 1,07%; tăng trưởng cả khu vực dịch vụ ước tăng 9,86%; doanh thu dịch vụ vận tải, bưu chính và chuyển phát 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 21.819 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2023. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng có 34 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới với tổng vốn đăng ký 23,4 triệu USD, trong 6 tháng tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 24,2 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng ký năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả 6 tháng năm 2024 tăng 2,86% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kết quả trên ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng có sự đóng góp rất tích cực. Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, chi nhánh tăng cường công tác chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tuân thủ các chủ trương, quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay của NHNN. Đồng thời, qua nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên yêu cầu các TCTD tận dụng các nguồn lực tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến 30/6/2024, đã có 38 TCTD triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ; lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 24/4/2023 đến 30/6/2024) khoảng 6.051 tỷ đồng, với 643 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong đó, các ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 104 khách hàng, giá trị nợ đạt 2.018 tỷ đồng; xây dựng có 121 khách hàng, giá trị nợ đạt 1.495 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản có 50 khách hàng, giá trị nợ 1.043 tỷ đồng.
Cần lời giải cụ thể đối với bài toán tăng trưởng tín dụng
Mặc dù ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Song trong bối cảnh sức hấp thụ vốn thấp, sức mua yếu, thị trường bất động sản trầm lắng nên chỉ số tăng trưởng tín dụng của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2024 khá thấp, chỉ tăng khoảng 0,72% so với cuối năm 2023.
Quảng cảnh hội nghị |
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc NHNN chi TP. Đà Nẵng cho hay, đến cuối tháng 6/2024, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn khoảng 221.375 tỷ đồng, tăng 0,72% so với cuối năm 2023. Trong đó, chủ yếu cho vay bằng VNĐ chiếm 98,13% trên tổng dư nợ, tăng 1,04%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chiếm 1,87% trên tổng dư nợ, giảm 13,84% so với cuối năm 2023. Dư nợ trung dài hạn 117.815 tỷ đồng, chiếm 53,22% tổng dư nợ, giảm 1,45%; dư nợ ngắn hạn đạt 103.560 tỷ đồng, chiếm 46,78% tổng dư nợ, tăng 3,31% so với cuối năm 2023.
Ông Nghĩa cho rằng, tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2024. Mặc dù NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhưng do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nên tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm.
Tuy nhiên, các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định. Đơn cử như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay đạt 10.346 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,67% tổng dư nợ trên địa bà. Trong đó, cho vay doanh nghiệp 5.165 tỷ đồng; cho vay cá nhân, hộ gia đình 5.166 tỷ đồng; cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 1 tỷ đồng, đối tượng khác 14 tỷ.
Hay như, cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM), đến quý II/2024, dư nợ của chương trình cho vay xây dựng NTM trên địa bàn đạt 5.945 tỷ đồng, chiếm 2,71 % tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, với tổng cộng 24.793 hộ dân, 200 doanh nghiệp được vay vốn. Dư nợ cho vay của 5 lĩnh vực ưu tiên tại địa phương: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 10.346 tỷ đồng, chiếm 4,67%; lĩnh vực xuất khẩu 3.280 tỷ đồng, chiếm 1,48%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ 3.729 tỷ đồng, chiếm 1,68%; doanh nghiệp nhỏ và vừa 55.077 tỷ đồng, chiếm 24,88%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 22 tỷ đồng, chiếm 0,01% trên tổng dư nợ.
Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 5.010 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 926 tỷ đồng, chiếm 18,48%; dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 98 tỷ đồng, chiếm 1,97%; dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 48 tỷ đồng, chiếm 0,96%; cho vay học sinh, sinh viên đạt 157 tỷ đồng, chiếm 3,13%; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 155 tỷ đồng, chiếm 3,09%; cho vay giải quyết việc làm đạt 3.439 tỷ đồng, chiếm 68,64…
Mặc dù tăng trưởng kinh tế TP. Đà Nẵng có khởi sắc, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong những tháng đầu năm 2024 |
Theo ông Võ Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, phải kể đến, việc tăng trưởng tín dụng rất khó khăn, chỉ tăng 0,72% những tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chính do sức cầu tín dụng còn yếu. Trên thực tế, Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, sức hấp thụ vốn còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao. Thị trường đầu ra và đơn hàng của DN suy giảm, doanh thu khách hàng suy giảm, hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt vay vốn, không còn tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay…
Ông Minh cho rằng, việc triển khai các chương trình tín dụng còn chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Công tác thu hồi nợ trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng một số TCTD vẫn còn gặp khó khăn trong công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ do thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản thị trường thấp, thậm chí một số phân khúc không có giao dịch…
Ông Minh lưu ý các TCTD, hiện tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ toàn địa bàn cao, hiện có 22/66 chi nhánh TCTD trên địa bàn có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao trên 3%. Nợ xấu có xu hướng gia tăng cho thấy số lượng khoản vay có khả năng mất vốn đang tăng nhanh ở các TCTD trên địa bàn. Do đó, đề nghị các TCTD cần có giải pháp kiểm soát nợ xấu, kịp thời thu hồi nợ, tiến hành thanh lý tài sản, tránh rủi ro mất vốn xảy ra vào các tháng tiếp theo.
Bài viết cũ hơn
- Các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đối với...
- Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNNngày 23...
- Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng về công tác tín dụng - 24/06/2024...
- NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC THÔNG BÁO DANH MỤC DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CÔNG NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ...
- NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG NGHỊ ĐỊNH 52/2024/NĐ-CP VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT - 24/05/2024 03:46